Chiều 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thuế giá trị gia tăng có phạm vi rất rộng, do đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu một cách cẩn trọng, chặt chẽ, đánh giá tác động với từng vấn đề.
Theo Bộ trưởng, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đề ra mục tiêu tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 16 - 17% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 14 - 15% GDP; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 86 - 87%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình một số vấn đề đại biểu nêu
Liên quan đến quy định về thuế suất đối với mặt hàng phân bón, nhiều ý kiến cho rằng không nên áp thuế 5% trong khi lại có không ít ý kiến ngược lại. Bộ trưởng cho hay, quá trình từ khi xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 đến năm 2013, 2014 đã từng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế 5% sau đó lại bỏ ra khỏi đối tượng chịu thuế.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, hiện nay, sản lượng sản xuất phân bón trong nước là 73,3%, nhập khẩu là 26,7%. Việc quy định mức thuế 5% sẽ không tạo sự mất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ tạo nguồn lực cho doanh nghiệp để tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và phát triển bền vững.
Cũng theo Bộ trưởng, giá phân bón không chỉ tác động bởi thuế mà còn chịu tác động bởi cung - cầu hàng hoá, nếu nguồn cung tăng giá sẽ rẻ, ngược lại nguồn cung thấp giá sẽ cao.
Giải trình làm rõ nội dung đại biểu nêu về việc giao Chính phủ quy định mức doanh thu hàng hoá dịch vụ của hộ, cá nhân không chịu thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng cho hay, hiện nay, Luật Thuế cần phải đảm bảo phù hợp với xu thế của thế giới để thuế thực sự là công cụ điều tiết hữu hiệu của nền kinh tế và phải thích ứng với biến động của nền kinh tế. Do đó, việc phân cấp cho Chính phủ là quan trọng, đảm bảo linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong điều hành.
Bộ trưởng cho rằng, mức doanh thu không chịu thuế cần được tính toán cân đối với tình hình trượt giá, mức tăng CPI cũng như tăng lương và chi phí khác. Ví dụ, thời điểm này có thể quy định mức 100 triệu đồng, nhưng có thể năm sau sẽ điều chỉnh lên 150 triệu đồng, năm sau nữa lên 200 triệu đồng... Do đó, việc giao cho Chính phủ quy định sẽ linh hoạt hơn.
"Trước khi tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính phải đánh giá một cách toàn diện từ chỉ số CPI đến tăng lương, tỷ giá, giá trị đồng tiền... lúc đó mới đưa ra các mức quy định phù hợp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trường hợp nội dung trên không giao thẩm quyền cho Chính phủ mà quy định thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các bước triển khai sẽ có thêm nhiều khâu, thủ tục hơn và ít nhất mất 6 tháng mới có thể sửa được các chính sách.
Về vấn đề thuế giá trị gia tăng với hàng hoá nhập khẩu giá trị nhỏ, Bộ trưởng thông tin, nội dung này hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở thực hiện thoả thuận quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quốc gia đã bỏ quy định này. Điển hình như EU đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với lô hàng từ 22 Euro trở xuống; Anh bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hoá nhập khẩu có giá trị 135 bảng Anh trở xuống...
Liên quan đến vấn đề đại biểu nêu về kinh doanh bất động sản chịu thuế, Bộ trưởng nêu rõ, đối với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là những đối tượng không chịu thuế. Tuy nhiên, kinh doanh bất động sản sẽ phải đầu tư đầu vào như cơ sở hạ tầng, thiết bị, vật tư..., được khấu trừ thuế đầu vào thì phải chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra, nếu không chịu thuế sẽ không được khấu trừ thuế đầu vào.
Bộ trưởng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đánh giá tác động của từng chính sách và những vấn đề còn tranh luận để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Huy Tùng